Nước nông nghiệp sao ồ ạt nhập nông sản? - Nhập nguyên liệu làm thức ăn chăn nuôi
Thứ hai, 01/02/2010, 09:26 GMT+7
VN hiện có trên 1 triệu ha đất trồng bắp, gần 300.000 ha trồng lạc, gần 500.000 ha trồng sắn... nhưng hằng năm cả nước vẫn phải nhập khẩu xấp xỉ 1,8 tỉ USD nguyên liệu thức ăn chăn nuôi.
Theo tính toán của Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi VN, trong công thức sản xuất thức ăn chăn nuôi hiện nay, có tới 70-80% nguyên liệu phải nhập khẩu từ các thị trường khác nhau. Đó là bắp, đậu nành, bột cá, bột thịt, cám mì, bột mì và nhiều loại khoáng chất khác. Trong tháng 12.2009, kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng này là 150,5 triệu USD, tăng 42,7% so với tháng trước, nâng tổng trị giá nhập khẩu mặt hàng này trong năm 2009 lên gần 1,77 tỉ USD, tăng 1% so với năm trước. Trong đó, khô dầu đậu nành nhập khẩu cả năm là gần 2,5 triệu tấn với trị giá 1,03 tỉ USD.
Tình trạng này diễn ra hơn chục năm nay đã trực tiếp hạn chế khả năng cạnh tranh của người chăn nuôi trong nước. Ông Lê Bá Lịch - Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi VN - phân tích: "Thức ăn chăn nuôi luôn chiếm 65 - 70% giá thành sản phẩm nhưng nguyên liệu làm thức ăn ở nước ta lại đang thiếu nghiêm trọng. Xét về lượng, chúng ta thường phải nhập khẩu từ 35 - 40% nguyên liệu, nhưng về giá trị thì nguyên liệu nhập khẩu chiếm tới 50%. Chỉ tính riêng năm 2009, VN đã phải nhập khẩu non 1 triệu tấn bắp, trên 2 triệu tấn khô dầu đậu nành, 107.000 tấn bột cá nhạt, hàng trăm ngàn tấn cám mì, cám ép dầu, hàng trăm ngàn tấn dầu động thực vật...".
Trong số những loại nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, VN hoàn toàn có thể tự sản xuất được bắp, đậu tương, sắn, bột cá... Đáng tiếc cho đến nay, nguồn này vẫn còn quá yếu để có thể cân đối cung-cầu. Trước năm 1996, VN đã từng là một nước xuất khẩu bắp với số lượng trên dưới 250.000 tấn. Tuy nhiên chỉ sau đó 1 năm, chúng ta bắt đầu nhập khẩu với số lượng ngày càng lớn.
Theo định hướng phát triển của Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn thì cây bắp được xếp vào một trong ba loại cây trồng thay thế nhập khẩu, gồm bắp, bông vải và đậu nành. Tuy nhiên cho đến nay mục tiêu này vẫn chưa thể thực hiện được. Ông Lịch nhận định: "Nước ta không có thế mạnh trồng đậu nành nên phải nhập khẩu một lượng lớn khô đậu là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, một sự thật đáng buồn là dù có bờ biển dài vài ngàn km nhưng VN vẫn phải nhập khẩu cả trăm ngàn tấn bột cá nhạt từ các nước Peru, Mỹ...
Hơn hết, là một đất nước nông nghiệp mà vẫn phải đi nhập bắp thì thật là buồn. Cả nước hiện có trên dưới 1 triệu bắp ngô, năng suất cao nhất cũng chỉ đạt 37 - 40 tạ/ha, kém Mỹ tới 2,5 lần. Chúng ta chưa có quy hoạch vùng bắp nguyên liệu cho sản xuất thức ăn chăn nuôi, diện tích trồng chủ yếu tập trung ở trung du và miền núi nhưng là do hình thành tự nhiên, chưa được đầu tư đầy đủ về hệ thống thủy lợi, chưa có nhiều giống cho năng suất cao...".
Để giảm thiểu tình trạng quá lệ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, các chuyên gia trong lĩnh vực này cho rằng, các địa phương cần quy hoạch mở rộng diện tích các loại cây nguyên liệu chế biến, phát triển toàn diện các nguồn nguyên liệu thô cũng như công nghiệp phụ trợ để chủ động nguồn nguyên liệu trong nước.
"Giá bắp trong vài năm gần đây rất tốt, thậm chí ở nhiều vùng, tính ra trồng bắp hiệu quả kinh tế cao hơn trồng lúa. Vấn đề là phải làm sao thuyết phục nông dân trồng bắp, chứng minh cho họ thấy trồng bắp cũng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Năng suất bắp hiện nay dưới 4 tấn/ha, nếu các nhà khoa học, cơ quan nông nghiệp hỗ trợ giúp nông dân tăng lên 5 tấn/ha, diện tích hiện nay có khả năng mở rộng lên 1,5 triệu ha, thậm chí là 2 triệu ha thì lúc đó VN có thể không cần nhập khẩu bắp" - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thônBùi Bá Bổng
Theo biểu mẫu mới của Bộ Tài chính, từ 1.1.2010, biểu thuế nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi chính thức áp dụng theo hướng tăng ở nhiều nhóm thiết yếu, như bắp từ 0% lên 5%, bột cá, bột xương thịt 0% lên 5%, cám mì 0% lên 5%, bột mì 10% lên 15%, dầu cá 5% lên 7%...